8 cách xây dựng thương hiệu cá nhân thành công

Trước đây, nếu muốn được nhiều người biết đến, bạn cần phải có người đại diện. Thậm chí, nhiều người còn bất chấp làm nhiều chuyện điên rồ và tìm mọi cách để đưa tên mình lên mặt báo.

Tuy nhiên ngày nay, việc xây dựng tầm ảnh hưởng của cá nhân đã hoàn toàn thay đổi. Bất cứ ai cũng có khả năng thu hút sự chú ý và phát triển tầm ảnh hưởng thông qua các phương tiện truyền thông xã hội.

Vấn đề là hầu như tất cả mọi người đều cố gắng thu hút sự chú ý bằng những cách giống nhau. Cũng giống như một thương hiệu chuyên nghiệp, bạn phải suy nghĩ chiến lược và thu hút đối tượng mục tiêu của mình.

Trong bài viết này, hãy cùng xem xét những cách mà bạn có thể áp dụng để tạo ra một chiến lược xây dựng thương hiệu cá nhân và nâng tầm ảnh hưởng bằng cách sử dụng một số chiến thuật tương tự.

1. Có sở thích, mối quan tâm đặc biệt

Xây dựng thương hiệu cá nhân
Xây dựng thương hiệu cá nhân

Bất kỳ người nào muốn có ảnh hưởng trên thế giới đều cần một mối quan tâm, một nguyên nhân hoặc một mục đích cụ thể thúc đẩy họ. Đây là cốt lõi của tất cả những thương hiệu cá nhân mạnh mẽ và công việc marketing để nâng tầm ảnh hưởng.

Mong muốn mọi người chỉ theo dõi mình một cách đơn thuần là chưa đủ. Bạn cần phải có một số yếu tố mang tính chiều sâu đối với thương hiệu cá nhân của mình.

Bạn sẽ thu hút mọi người theo dõi mình nhiều hơn nếu bản thân nổi tiếng hay được nhiều người biết đến ở một lĩnh vực hay vì một nguyên nhân cụ thể.

Nếu bạn không chắc chắn nên bắt đầu từ đâu, hãy xem xét những khía cạnh sau:

  • Sở thích và đam mê của bạn trong cuộc sống
  • Những người bạn ngưỡng mộ (và ngưỡng mộ họ vì điều gì)
  • Các mục tiêu bạn muốn đạt được

Bất kỳ yếu tố nào trong số này cũng sẽ giúp bạn tìm thấy những gì bạn muốn thể hiện và chia sẻ. 

Ví dụ: Melissa Coyle – chủ của Melissa’s Healthy Kitchen đã xây dựng một lượng người theo dõi trực tuyến khá lớn xoay quanh niềm đam mê của cô ấy đối với những bữa ăn lành mạnh có giá cả phải chăng.Cô ấy chia sẻ công thức nấu ăn và kinh nghiệm nấu ăn hàng ngày của mình với những người theo dõi trên Instagram và trang web cá nhân.

Đừng lo lắng về việc sẽ “copy” sở thích hay sở trường của người khác, hãy nghĩ rằng ít nhất bạn cũng đang bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên cho hành trình của mình. Đừng ngần ngại chia sẻ sở thích của bạn vì đây cũng là cách truyền cảm hứng cho mọi người xung quanh.

2. Nâng cấp chất lượng hình ảnh

Nâng cấp chất lượng hình ảnh
Nâng cấp chất lượng hình ảnh

Hình ảnh là một phần rất quan trọng tác động đến cách mọi người nhìn nhận bạn. Có hình ảnh chuyên nghiệp chất lượng cao giúp thương hiệu cá nhân của bạn trở nên nổi bật và thu hút.

Ngày nay, mọi người đều dễ dàng sở hữu một chiếc điện thoại di động với camera chất lượng. Ngoài ra, mua máy ảnh DSLR là bước đầu tuyệt vời để cải thiện chất lượng hình ảnh của bạn. Bạn cũng có thể đăng ký Adobe Lightroom hoặc sử dụng các công cụ như VSCO để hỗ trợ việc chỉnh sửa cơ bản.

Dưới đây là những mẹo để có hình ảnh đẹp hơn:

  • Cố gắng căn ánh sáng phù hợp – ánh sáng tự nhiên là tốt nhất
  • Sử dụng các góc phù hợp – luôn đưa máy ảnh lên cao hơn
  • Tránh dùng quá nhiều bộ lọc có sẵn khiến hình ảnh trở nên mất tự nhiên

Chụp ảnh chất lượng cao vừa là nghệ thuật nhưng cũng vừa là hành trình nghiên cứu, tìm tòi. Bạn cần đầu tư cả tiền bạc và thời gian vào việc trau dồi kỹ năng của mình và tạo ra những hình ảnh chất lượng hơn. Ban đầu, bạn có thể cần thuê người trợ giúp chụp ảnh, tuy nhiên sau đó có thể từ từ học hỏi và tự chụp những bức ảnh chất lượng.

3. Tạo diện mạo và tiếng nói riêng cho thương hiệu của bạn

Các thương hiệu lớn trên thế giới cực kỳ nghiêm ngặt trong việc đưa sản phẩm hay hình ảnh ra thị trường. Các doanh nghiệp có một cuốn sách thương hiệu dành riêng cho việc giới thiệu màu sắc, phông chữ và biểu tượng sẽ sử dụng khi giới thiệu sản phẩm ra toàn cầu. Một số thương hiệu, như Mailchimp, thậm chí có những cách cụ thể để sản xuất nội dung phù hợp với thương hiệu của họ.

Nếu bạn không chắc chắn về màu sắc hay phông chữ nào phù hợp với thương hiệu của mình, hãy thuê một nhà thiết kế đồ họa. Họ có thể tạo logo, ​​bảng màu và thậm chí đối sánh hình ảnh cụ thể với thương hiệu của bạn.

Tất nhiên, bạn có thể thay đổi màu sắc và tùy chỉnh theo ý thích, nhưng tốt nhất là nên có một số thông số và công thức cụ thể.

Tạo diện mạo và tiếng nói riêng cho thương hiệu các nhân
Tạo diện mạo và tiếng nói riêng cho thương hiệu các nhân

4. Chia sẻ tài liệu và kinh nghiệm

Một phần quan trọng của xây dựng thương hiệu cá nhân đó là những trải nghiệm bạn có được qua từng ngày. Thông qua mạng xã hội, bạn có thể chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm đó để thu hút nhiều người theo dõi hơn.

Tất nhiên không nên chia sẻ mọi thứ về cuộc sống cá nhân, tuy nhiên bạn có thể note lại những nội dung mà mình nghĩ ra để đưa vào các bài đăng sau này của mình. Nên ghi lại những suy nghĩ và trải nghiệm của mình ngay cả khi bạn không sử dụng những nội dung đó ngay lập tức.

5. Học cách viết và nói trước camera

Viết và nói là hai kỹ năng tất cả chúng ta đều đã được học ở trường, nhưng không phải ai cũng nghĩ đến việc cải thiện những kỹ năng ấy sau khi tốt nghiệp.

Học cách viết các bài đăng trên blog và nói tốt trên video là hai kỹ năng cần thiết nếu bạn muốn phát triển sự ảnh hưởng của mình trên mạng.

Tất nhiên, bạn có thể thuê người khác thực hiện những công việc này, nhưng học cách tự túc cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích.

Khả năng viết lách rất quan trọng vì nó giúp bạn làm sáng tỏ suy nghĩ của mình. Ngoài ra, nội dung bằng văn bản trên blog của bạn có cơ hội xuất hiện trong kết quả tìm kiếm của Google nhiều hơn.

Khi nói đến video, việc trở thành một người vlogger sẽ giúp bạn phát triển tầm ảnh hưởng của mình. Bạn có thể thực hành bằng cách làm một số vlog hàng ngày hoặc chia sẻ kiến thức gì đó mà mình đã học được. Bạn càng nói chuyện trước máy quay thường xuyên thì điều đó càng trở nên dễ dàng hơn.

6. Thử nghiệm các nền tảng khác nhau

Mọi người đều có nền tảng truyền thông xã hội yêu thích của riêng mình, nhưng sẽ là sai lầm nếu chỉ chăm chăm xây dựng thương hiệu một nền tảng cố định. 

Các phương tiện truyền thông xã hội luôn thay đổi, phát triển theo từng ngày.

Nếu nền tảng bạn đang dùng có sự thay đổi và xóa mất tài khoản của bạn, hoặc nền tảng đó bắt đầu trở nên ít phổ biến hơn, bạn sẽ gặp thất bại.

Giải pháp được đưa là hãy tìm hiểu các nền tảng truyền thông xã hội khác nhau và điểm nổi bật của từng nền tảng. Cho dù là trên Youtube, Facebook, Twitter, Instagram hay bất kỳ nền tảng nào khác, bạn phải có sự nhận dạng thương hiệu rõ ràng khi sử dụng chúng. Tìm hiểu xem khán giả chính của mỗi kênh là ai và nội dung của bạn có thể đăng tải như thế nào trên từng kênh riêng biệt.

Thử nghiệm các nền tảng khác nhau
Thử nghiệm các nền tảng khác nhau

Bạn có thể không thích hoặc không hiểu một nền tảng cụ thể, nhưng bạn có thể bắt đầu cảm nhận bằng cách đăng bài trên đó một vài lần. Xem bài đăng trên mạng xã hội của bạn có tác động khác nhau như thế nào tùy thuộc vào từng nền tảng. Một phần của việc xây dựng thương hiệu cá nhân thành công là làm cho phong cách của bạn phù hợp với nền tảng tương thích.

Nhiều người trong số những người theo dõi bạn trên một nền tảng sẽ bắt đầu đổi hướng và có khả năng sẽ theo dõi bạn trên một kênh khác. Ngay cả khi bạn yêu thích một ứng dụng truyền thông xã hội cụ thể và đã thành công với nó, hãy đảm bảo tiếp tục thử những ứng dụng mới và mở rộng kiến ​​thức cũng như phạm vi tiếp cận của mình.

7. Tạo một lịch trình và theo sát lịch của mình

Một trong những bí quyết lớn nhất để tăng lượng người theo dõi trên mạng xã hội là tính nhất quán. Bằng cách đăng vài ngày một tuần, mỗi tuần, năm này qua năm khác, bạn sẽ xây dựng được lượng khán giả.

Hãy dành thời gian để tạo nội dung mới bằng văn bản, hình ảnh, video và âm thanh và công việc này đòi hỏi phải có tính kỷ luật. Bạn phải lập kế hoạch trước và sau đó bám sát kế hoạch của mình.

Cách tốt nhất để làm điều này là tạo một lịch nội dung để dễ dàng theo dõi. Làm điều này trước sẽ giúp ích khi bạn có một khối lượng nội dung hay tin quảng cáo lớn và băn khoăn chưa biết phải đăng ra sao, vào lúc nào.

Có rất nhiều mẫu lịch nội dung có sẵn trực tuyến đơn giản như Bảng tính Google với ngày tháng, tiêu đề nội dung và tổng quan nội dung ngắn gọn.

Hãy nhớ rằng: nếu bạn muốn phát triển, bạn phải đăng bài một cách nhất quán. Việc này vừa thu hút thêm nhiều người theo dõi, vừa làm tăng thứ hạng tìm kiếm của bạn trên Google

Đăng bài liên tục trong vòng 1-2 năm chắc chắn sẽ hơn là bạn thỉnh thoảng đăng bài trong 5 năm.

8. Kết nối và phát triển quan hệ xã hội

Khi bạn bắt đầu cố gắng xây dựng thương hiệu cá nhân, điều tốt nhất nên làm là kết nối với những người có cùng sở thích với mình.

Điều này không có nghĩa là bạn chỉ cố gắng kết nối để có được thứ gì đó, mà là để cho đi thứ gì đó. Bạn nên thực sự quan tâm đến các bài đăng của người khác và cố gắng theo dõi, chia sẻ và bình luận.

Nếu bạn bắt gặp ai đó có cùng sở trường hoặc sở thích với mình, họ sẽ có thể là đối tác trong việc tăng cường sự ảnh hưởng của bạn.

Bạn càng nỗ lực kết nối với nhiều người, bạn sẽ thấy ảnh hưởng của mình ngày càng lớn. 

Hãy nhớ rằng không công thức cụ thể, chuẩn chỉnh nào để phát triển thương hiệu cá nhân, vì mỗi người là một thực thể duy nhất. Những cách trên đây sẽ giúp bạn điều chỉnh cách tiếp cận độc đáo của mình và tiếp tục thích ứng, thay đổi theo thời gian. Thương hiệu cá nhân mạnh mẽ cần được xây dựng theo thời gian và phát triển khi bạn thay đổi và cải thiện sự hiện diện trực tuyến của mình.

Theo thời gian, bạn sẽ tìm thấy tiếng nói của mình và bắt đầu phát triển ảnh hưởng của mình theo cách riêng.

Tìm hiểu thêm:

WeWin Media
WeWin Media

WeWin Team là đội ngũ Content Creator có niềm đam mê mãnh liệt với ngành marketing nói chung và ngành quảng cáo ngoài trời nói riêng

Share:
Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn