Chiến dịch Video Marketing là một trong những phương thức truyền thông phổ biến, mang lại hiệu quả cao được nhiều thương hiệu áp dụng để quảng bá sản phẩm. Dưới đây là các bước để thiết lập nên một chiến dịch video hiệu quả.
1. Xác định mục tiêu thực hiện
Trước khi thực hiện một chiến dịch video, điều đầu tiên bạn cần phải làm chính là xác định rõ mục đích, mục tiêu thực hiện chiến dịch để làm gì. Những mục tiêu của chiến dịch cần thỏa mãn cả mục tiêu marketing và mục tiêu truyền thông.
Trong quá trình xác định mục tiêu, bạn cần suy nghĩ kỹ điểm gì khiến quảng cáo bằng video trở nên khác biệt so với các hình thức khác như poster, podcast,… và vì sao nên thực hiện bằng hình thức video. Đồng thời, các vấn đề về thời gian, năng lực sản xuất, các vấn đề sự cố cũng cần được cân nhắc kỹ trước khi thực hiện.
2. Xác định công chúng mục tiêu
Sau khi đã chỉ ra rõ những việc cần làm và cần đạt được trong chiến dịch video, giờ là lúc bạn xác định tới công chúng mục tiêu cho chiến dịch, đây sẽ là yếu tố quan trọng để làm nên một chiến dịch marketing thành công.
Trước tiên, bạn cần xác định công chúng mục tiêu của chiến dịch là ai? Công chúng mục tiêu là những người sẽ được hưởng lợi trực tiếp khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu.
Ví dụ: Thực hiện một nội dung video marketing về việc bảo trì xe ô tô thể thao
- Cặp vợ chồng mới cưới => không là công chúng mục tiêu
- Những người sưu tầm ô tô thể thao => là công chúng mục tiêu
Sau khi đã lựa chọn được công chúng mục tiêu, tiếp theo, bạn nên bắt đầu phân đoạn công chúng theo: personas (chân dung khách hàng) và jobs to be done (công việc cần phải hoàn thành).
Personas (chân dung khách hàng) là hình mẫu giả định mang tính đại diện cho một phân khúc khách hàng của doanh nghiệp và được liệt kê các thông tin cơ bản bao gồm tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp và thu nhập,…
Bởi hầu hết là những thông tin cơ bản, do vậy, personas không thực sự đủ để tìm ra loại nội dung phù hợp để sản xuất, tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể dựa vào personas để tìm ra chất liệu, tone giọng và các kênh truyền tải.
Ví dụ, một chân dung về một cô gái 16 tuổi thì thường sẽ gắn liền với TikTok và thường xuyên cập nhất những trends về từ lóng mới nhất. Ngược lại, chân dung của một người đàn ông 50 tuổi thì thường sẽ gắn liền với Facebook và sử dụng ngôn ngữ nói đơn giản.
Jobs to be Done (công việc cần hoàn thành) là một cái nhìn tổng thể về vấn đề mà khách hàng của bạn đang gặp phải và chính sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp sẽ được tạo ra để giải quyết vấn đề đó.
Ví dụ, nếu bạn là một graphic designer tự do, khách hàng của bạn sẽ có thể là một giám đốc marketing. Một trong những công việc cần phải hoàn thành của một giám đốc marketing là đảm bảo tất cả các yếu tố của chiến dịch marketing đều phù hợp với hình ảnh thương hiệu. Do vậy, trong trường hợp này, bạn có thể tạo một video để hướng dẫn cách tạo ra bộ quy tắc của thương hiệu về visual marketing.
3. Xem xét trách nhiệm của các bên liên quan
Không như báo chí và podcast – những hình thức có thể được đảm nhiệm từ đầu tới cuối bởi chỉ một cá nhân, sản xuất video sẽ thường cần sự tham gia của rất nhiều bên liên quan.
Ví dụ, nếu bạn muốn sản xuất một video live-action, bạn sẽ cần xem xét thời gian của các diễn viên, xem xét điều kiện làm việc của họ (làm việc tại văn phòng hay làm việc tự do) và trình độ thể hiện của họ. Nếu bạn đang tạo video hoạt hình, bạn sẽ cần một họa sĩ phim hoạt họa hoặc một phần mềm tạo video hoạt hình giúp cho việc hoạt họa trở nên đơn giản hơn.
Bạn cũng nên tiếp cận tới các bên liên quan (đơn vị quay phim, sản xuất hình ảnh, chính quyền địa phương,…) trước khi tiếp tục thực hiện dự án bởi việc tham gia của họ hoàn toàn có thể xây dựng hoặc phá vỡ toàn bộ nỗ lực mà bạn đã gây dựng.
4. Xác định thể loại video cần sản xuất
Để xác định được thể loại video cần sản xuất, bạn sẽ cần phải xem xét lại toàn bộ kế hoạch marketing và mục tiêu cần thực hiện, cũng như chân dung khách hàng và jobs to be done của chiến dịch.
Nắm được và hiểu rõ những mục tiêu mà bạn đang muốn đạt được và đối tượng chiến dịch hướng tới sẽ giúp bạn xác định chính xác thể loại video cần sản xuất. Ngoài ra, thương hiệu cần cân nhắc một số yếu tố sau khi thực hiện chiến dịch video:
- Các kênh mà video sẽ được đăng tải (Youtube, Tik Tok, Instagram,…)
- Độ dài của video
- Tác động của video trong giai đoạn nhận thức
Khi đã xác định được rõ thể loại video sẽ sản xuất, bạn cũng sẽ biết được mình sẽ cần những phần cứng và phần mềm nào.
5. Kiểm tra và chuẩn bị các thiết bị cần thiết
Dựa vào thể loại video mà bạn đang thực hiện, có thể bạn sẽ cần chuẩn bị đến những thiết bị như:
- Một chiếc camera tốt
- Hệ thống đèn chiếu
- Mic thu âm
- Hệ thống cách âm
- Một căn phòng, không gian riêng tư
- Phần mềm chỉnh sửa video tốt
Bên cạnh đó, bạn cũng nên thường xuyên nâng cấp các thiết bị của mình để sản phẩm đầu ra hoàn thiện và chỉnh chu nhất có thể. Vì vậy, đừng ngần ngại đầu tư tiền cho các thiết bị quay của mình.
6. Xây dựng chủ đề chính cho video
Trước khi bắt tay vào thực hiện một video, bạn nên xác định rõ chủ đề nội dung chính cho video đó. Đây là một điều cơ bản để đảm bảo rằng từng phần nhỏ trong video mà bạn tạo ra có ý nghĩa và đạt được một mục đích cụ thể.
Ví dụ, nếu người xem video là những marketing leader thì video cần bao gồm các nội dung liên quan tới chiến lược, cách quản lý nhân sự hoặc các xu hướng trên thị trường. Ngoài ra, khi làm video, đừng mở rộng sang những vấn đề khác liên quan tới chủ đề mà video đang thực hiện.
7. Lên kế hoạch cụ thể cho video
Để thực hiện một video thành công, lên kế hoạch sản xuất cụ thể là điều cần thiết. Phụ thuộc vào độ dài của video, độ phức tạp và nhân sự thực hiện, bạn có thể cân nhắc sắp xếp thời gian sao cho hợp lý để đúng tiến độ.
Trong suốt quá trình lên kế hoạch này, tạo ra một storyboard sẽ là một ý tưởng hay giúp bạn hình dung được các phần, các cảnh quay cụ thể trong video.
8. Thực hiện quay và chỉnh sửa video
Sau khi đã có được một bản kế hoạch hoàn thiện, giờ là lúc tiến hành thực hiện video hoàn chỉnh. Một video dù dài hay ngắn cũng nên được thực hiện theo từng giai đoạn và từng bước chậm rãi và chắc chắn; không nên làm tất cả các công việc quay hình, chỉnh sửa và phát hành ngay trong cùng một ngày. Hãy tập trung chú ý hoàn thiện từng việc một trước khi chuyển sang tiếp tục công đoạn khác.
Ngoài ra, trong quá trình chỉnh sửa video, bạn nên tận dụng hết sức khả năng sáng tạo của bản thân, hoặc của đội nhóm mình để tạo ra video ưng ý, chất lượng cao. Đồng thời, bạn cũng cần lưu ý đến việc phân bổ thời gian thực hiện sao cho phù hợp.
9. Lập kế hoạch quảng bá video
Có thể bạn đã nghe đến COPE – create once, publish everywhere (tạo ra một lần và phát hành ở mọi nơi). Đó là một lời khuyên tốt, tuy nhiên sẽ là tốt hơn nếu bạn COED – create once, edit, distribute (tạo ra một lần, chỉnh sửa và phân phối kênh). Ví dụ, một video kéo dài 15 phút dành cho Youtube sẽ khó có thể phù hợp để đăng lên nền tảng Tik Tok.
Vì vậy, trong khi chỉnh sửa video, bạn cũng nên cân nhắc đến kênh mà video đó sẽ được đăng tải. Từ đó tạo ra những video khác nhau cùng từ một nội dung có sẵn sao cho phù hợp với khán giả của từng kênh mà bạn hướng tới.
Ngoài ra, bạn nên cân nhắc sử dụng công cụ lên lịch trên các nền tảng mạng xã hội để có thể sắp xếp thời gian quảng bá video của mình trên các kênh sao cho hợp lý nhất.
10. Đánh giá, đo lường hiệu quả
Có hai điều cần lưu ý khi đánh giá và đo lường hiệu quả của chiến dịch video:
- Ở mức độ nội dung, bạn cần cân nhắc các khía cạnh như: “Mốc thời gian mà khán giả thường xuyên dừng xem video?”, “Đâu là CTA hiệu quả?”,…
- Ở mức độ chiến lược, bao gồm những vấn đề cần phải đánh giá như “Những số liệu thu về được đã thể hiện được sự thành công của chiến dịch?”, “Số lượng khách hàng mới mà ta tiếp cận được thông qua 15 giây cuối của video là bao nhiêu?”,…
Bên cạnh đó, những số liệu này cần được đo lường và thống kê thường xuyên mỗi tháng hoặc mỗi quý. Những số liệu luôn được cập nhật này sẽ giúp cho việc đưa ra những chiến lược và chiến thuật hiệu quả cho các chiến dịch sau.
Kết
Để tạo dựng nên một chiến dịch video thành công, một bản kế hoạch chi tiết với đầy đủ các bước là một phần không thể thiếu. Bởi nó sẽ giúp bạn xác định rõ những việc cần phải làm, cách thực hiện hiệu quả, đặc biệt tránh lãng phí thời gian và tiền bạc vào những thứ không cần thiết.
Tìm hiểu thêm: