Green Marketing là hình thức marketing mới lạ được nhiều thương hiệu áp dụng và phát triển cho doanh nghiệp của mình. Vậy Green Marketing là gì? Cùng WeWin Media tìm hiểu về phương thức marketing mới này và xem một số ví dụ về marketing xanh trong bài viết dưới đây!
Green Marketing là hình thức Marketing cho sản phẩm hoặc dịch vụ dựa trên các yếu tố hoặc nhận thức về môi trường. Hình thức này giúp thương hiệu nâng cao uy tín, mở rộng phân khúc đối tượng khách hàng và tạo sự nổi bật giữa các đối thủ cạnh tranh khi ngày càng nhiều người có ý thức hơn về môi trường.
1. Tại sao Green Marketing lại quan trọng?
Hành tinh của chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều mối đe dọa như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, vấn nạn rác thải thực phẩm, ô nhiễm nhựa và nạn phá rừng. Hóa chất và chất thải do các nhà máy sản xuất có thể được tìm thấy ở bất cứ đâu, và đó là lý do tại sao nhiều công ty đang xem xét sản xuất hàng hóa của họ theo cách thân thiện hơn với môi trường.
Hơn nữa, mức độ nhận thức về việc bảo vệ hệ sinh thái của người tiêu dùng ngày càng cao, và họ sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm thân thiện với môi trường cho dù giá của những sản phẩm này cao hơn các sản phẩm thông thường. Nhiều thương hiệu cũng đang cố gắng hết sức để đáp ứng mong muốn của khách hàng và đã bắt đầu sản xuất những mặt hàng như vậy với tư cách là các tổ chức có trách nhiệm đối với hệ sinh thái của hành tinh này.
Green Marketing được đánh giá có ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe của con người cũng như sức khỏe của môi trường. Tuy nhiên, loại hình marketing này cũng đòi hỏi sự thay đổi lớn trong mọi giai đoạn sản xuất sản phẩm của doanh nghiệp, từ đóng gói đến quan hệ công chúng và quảng bá sản phẩm.
2. Lợi ích của Green Marketing
Với Green Marketing, các công ty có cơ hội tuyệt vời để thay đổi hành tinh trở nên tốt đẹp hơn, đồng thời nâng cao nhận thức của mọi người về tình hình môi trường hiện nay. Bằng cách tạo ra các sản phẩm bền vững, các thương hiệu sẽ giảm tác động tiêu cực của rác thải từ các sản phẩm tới thiên nhiên
Ngoài ra, việc áp dụng Green Marketing cho phép doanh nghiệp giành được sự tin tưởng và lòng trung thành của khách hàng. Hình thức này sẽ giúp thương hiệu đạt được những lợi ích như:
- Nổi bật trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt;
- Giảm tác động tiêu cực của sản xuất đến môi trường;
- Tiết kiệm năng lượng, giảm việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và khí thải carbon;
- Sản xuất các sản phẩm có thể tái chế;
- Nâng cao uy tín của thương hiệu;
- Mở rộng phân khúc đối tượng mới;
- Đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn;
- Thực hiện các hoạt động có tính đổi mới;
- Có được một doanh thu cao hơn.
Biết về những lợi ích của Green Marketing có thể là chưa đủ, thương hiệu cũng nên biết về các chiến lược để áp dụng phương thức này sao cho phù hợp và đạt được kết quả cao nhất.
3. 4 Chiến lược Green Marketing
Trên thực tế, có thể tìm thấy rất nhiều chiến lược liên quan đến Green Marketing có thể giúp doanh nghiệp tạo ra một thương hiệu bền vững.
- Thiết kế sản phẩm bền vững
Green Marketing không chỉ là việc thêm một biểu tượng tái chế trên bao bì sản phẩm, mà đây còn là sự thay đổi trong một vòng đời đầy đủ của sản phẩm. Thương hiệu nên chú ý đến các chi tiết trong mọi quy trình như nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào hoặc nguồn nhân công tham gia vào quá trình này.
Hơn nữa, công ty cũng nên kiểm soát lượng chất thải phát sinh và cách sản phẩm của mình được đóng gói và phân phối. Doanh nghiệp cũng phải cân nhắc rất nhiều thứ có tác động đến môi trường khi thiết kế sản phẩm để đảm bảo tính bền vững.
- Tinh thần có trách nhiệm
Nếu đang nghĩ đến việc chuyển sang hoạt động kinh doanh có trách nhiệm với môi trường, thì doanh nghiệp cũng nên sẵn sàng cho một sự thay đổi sâu sắc trong tư tưởng bởi Green Marketing là giúp mọi người nhận thức về ô nhiễm môi trường.
Nếu muốn chứng minh sự chân thành trong ý định thay đổi của mình, hãy suy nghĩ về cách doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm của mình đối với hệ sinh thái và xã hội, đồng thời cho khách hàng thấy rằng thương hiệu đang thực sự quan tâm đến sức khỏe của hành tinh.
- Định giá “xanh”
Các sản phẩm thân thiện với môi trường thường có giá trị cao do chi phí thiết kế bền vững tăng lên. Tuy nhiên, thực tế, đối với nhiều khách hàng quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, họ vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra mua dù chi phí cao.
Do đó, nếu thương hiệu đang tính giá cao cho các sản phẩm xanh của mình, hãy đảm bảo đăng tải những thông báo chi tiết cụ thể để chứng minh rằng sản phẩm của thương hiệu xứng đáng với giá của chúng. Hãy nhớ rằng sứ mệnh của thương hiệu càng lớn, thì cơ hội sản phẩm của thương hiệu đó được tiếp cận càng lớn.
- Bao bì bền vững
Lý do số 1 cho sự ô nhiễm của hành tinh chúng ta là việc sử dụng quá nhiều nhựa. Theo tổ chức Hòa bình xanh, 8,3 tỷ tấn nhựa đã được sản xuất kể từ những năm 1950, trong khi chỉ có khoảng 9% được tái chế. Ngày nay, người tiêu dùng đã có trách nhiệm hơn và cố gắng tránh dùng bao bì nhựa. Đó là lý do tại sao thương hiệu nên hướng tới sử dụng bao bì tái chế hoặc không dùng nhựa cho sản phẩm của mình.
4. 6 Ý tưởng Green Marketing
Các thương hiệu bền vững thừa nhận rằng việc bảo vệ môi trường đã giúp các công ty của họ đạt được nhiều doanh thu hơn và mở rộng tệp khách hàng rộng lớn hơn. Tuy nhiên, để trở thành một công ty thân thiện với môi trường không phải là điều dễ dàng. Doanh nghiệp nên sẵn sàng sử dụng nhiều các ý tưởng Green Marketing và đầu tư nhiều tiền hơn để thu được lợi nhuận như mong đợi.
Dưới đây, là một số các ý tưởng để thực hiện Green Marketing cho thương hiệu..
- Sử dụng vật liệu tái chế
Doanh nghiệp có thể cố gắng hết sức để sử dụng vật liệu tái chế và giảm tiêu thụ các sản phẩm mới. Tái chế làm giảm quá trình tinh chế và xử lý nguyên liệu thô, giúp loại bỏ ô nhiễm không khí và nước, đồng thời cũng giúp tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.
Hãy lấy Allégorie làm ví dụ. Thương hiệu này đã sử dụng vỏ táo và xoài tái chế để tạo ra các sản phẩm dệt thông qua các quy trình thân thiện với môi trường.
- Cân nhắc sử dụng dịch vụ email
Các thư điện tử newsletters mang đến cho thương hiệu những cơ hội tuyệt vời để tiếp cận tới đối tượng mục tiêu mà không cần in tờ rơi quảng cáo, giúp tiết kiệm được nhiều cây hơn. Bên cạnh đó, email marketing cũng hiệu quả hơn trong việc thu thập phản hồi từ khách hàng về các chiến dịch của thương hiệu.
- Nâng cấp thiết bị và phương tiện vận chuyển
Các phương tiện thường sử dụng để phân phối sản phẩm cũng có ảnh hưởng đến môi trường sống của chúng ta. Sẽ rất tốt nếu doanh nghiệp sẵn sàng chi trả để mua thiết bị sản xuất và phương tiện vận chuyển mới. Các doanh nghiệp có thể chuyển sang các mô hình điện và giảm mức độ carbon trong khâu sản xuất.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng các loại xe tiết kiệm nhiên liệu để vận chuyển hàng hóa, đồng thời đưa kèm các logo của thương hiệu lên những chiếc xe nhằm tạo ấn tượng đối với công chúng.
- Làm nổi bật đây là thương hiệu thân thiện với môi trường
Nếu thương hiệu đã kết hợp các phương pháp thân thiện với môi trường, chẳng hạn như sử dụng thiết bị văn phòng tiết kiệm năng lượng, cộng tác với các nhà cung cấp ưu tiên tính bền vững hoặc phát triển chương trình tái chế giấy và điện tử, hãy cho công chúng biết về điều đó.
Đối với một số khách hàng thích mua các sản phẩm bảo vệ môi trường, thương hiệu càng cần thông báo cho họ về những điều mà mình đã làm bởi nó sẽ cung cấp cho khách hàng sự lựa chọn sản phẩm đa dạng hơn và cơ hội để lựa chọn những sản phẩm tốt nhất.
Ví dụ: trên trang web của Dr. Scholl’s Shoes, người mua sắm có thể tìm thấy tất cả thông tin cần thiết về tính bền vững của thương hiệu.
- Đầu tư vào truyền thông mạng xã hội
Marketing qua mạng xã hội rõ ràng là thân thiện với môi trường hơn và không kém phần phổ biến so với marketing offline, nên đây sẽ là một bước tuyệt vời nếu thương hiệu đầu tư vào truyền thông trên mạng xã hội để tiếp cận khách hàng thông qua những ý tưởng sáng tạo và sản phẩm thân thiện với môi trường.
Hãy xem các chiến dịch của The Body Shop chống lại việc thử nghiệm trên động vật thông qua tài khoản Instagram của họ.
- Hỗ trợ các sáng kiến môi trường
Một số thương hiệu thực hiện hoạt động quyên góp để hỗ trợ bảo vệ môi trường như tạo ra các quỹ và tổ chức từ thiện đặc biệt. Việc gây quỹ cho phép công ty hỗ trợ các sáng kiến về môi trường, làm cho hành tinh trở nên tốt đẹp hơn, đồng thời có được uy tín và sự tin cậy về thương hiệu.
People Tree, một thương hiệu được thành lập vào năm 1991 và nổi tiếng với quần áo từ chất liệu thân thiện với môi trường, đã ủng hộ nhiều sáng kiến khác nhau về bảo vệ môi trường. Công ty có tổ chức People Tree Foundation, một tổ chức từ thiện độc lập nhằm thúc đẩy công lý môi trường. Với sự giúp đỡ của quỹ này, People Tree cố gắng bảo vệ hành tinh và phát triển nhận thức của công chúng về các vấn đề đang đe dọa tới môi trường.
5. 6 Ví dụ về Green Marketing
Dưới đây là một số ví dụ về các thương hiệu có trách nhiệm với xã hội bảo vệ môi trường, phản đối việc thử nghiệm trên động vật, sản xuất hàng hóa có thể tái chế và ủng hộ các cách thức sản xuất bền vững.
- TOMS
TOMS, một thương hiệu nổi tiếng với những đôi giày thoải mái, sử dụng công việc kinh doanh để cải thiện cuộc sống và không gây hại cho môi trường.
Nếu truy cập trang web của công ty, có thể thấy rằng TOMS đã cố gắng mở rộng các hoạt động bền vững trong các lĩnh vực kinh doanh chính của họ bằng cách sử dụng các vật liệu thân thiện với Trái Đất như bông bền vững và giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và chất thải trong 5 năm qua. Hơn nữa, thương hiệu cũng cung cấp cho khách hàng của họ bao bì làm từ vật liệu tái chế.
- Green Toys
Công ty cho rằng để nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc và khỏe mạnh nên cung cấp một môi trường lành mạnh. Điều này khiến mọi người nghĩ về Trái đất của chúng ta và cách chúng ta chăm sóc nó. Green Toys hoàn toàn an toàn cho trẻ em và môi trường vì chúng được làm từ 100% vật liệu có thể tái chế.
- The Body Shop
The Body Shop là thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng chống lại sự tàn ác bằng chiến dịch chống lại việc thử nghiệm trên động vật và chỉ bán các sản phẩm 100% thuần chay. Thương hiệu này được coi là công ty mỹ phẩm quốc tế đầu tiên ủng hộ chính sách không dùng thuốc độc hại.
- Boden
Các thương hiệu phổ thông như Boden luôn chú ý đến nguồn cung ứng và chuỗi cung ứng bởi những điều này có ảnh hưởng đáng kể đến môi trường của chúng ta. Đó là lý do tại sao công ty là biểu tượng cho tính bền vững khi sử dụng bông bền vững và hữu cơ để sản xuất quần áo.
- Love Beauty and Planet
Unilever là một công ty hàng tiêu dùng đa quốc gia bao gồm nhiều thương hiệu, và Love Beauty and Planet là một trong số đó. Thương hiệu được tạo ra để làm cho khách hàng và hành tinh tươi đẹp hơn. Love Beauty and Planet khẳng định rằng ngành công nghiệp làm đẹp và tác động của nó đối với môi trường là không thể tách rời.
Hoạt động bảo vệ môi trường của thương hiệu bắt đầu từ chính những thiết kế chai của họ cho dầu gội đầu, kem dưỡng da tay và các sản phẩm khác được tạo từ nhựa tái chế.
- Avocado Mattress
Avocado, một thương hiệu nệm thân thiện với môi trường, cam kết sử dụng nguyên liệu hữu cơ để sản xuất gối, nệm và bộ đồ giường. Thương hiệu duy trì các hoạt động trên để bảo vệ sức khỏe khách hàng của họ và bảo vệ hành tinh khỏi những tác động xấu.
Kết
Green Marketing bao gồm những ý tưởng tiến bộ cần thiết cho hành tinh của chúng ta để giải quyết các vấn đề ô nhiễm nước và không khí, sự đối xử tàn ác với động vật và các vấn đề môi trường khác. Bằng cách chuyển sang hoạt động bền vững, thương hiệu sẽ giúp mọi người sống tốt hơn, có ý thức, có trách nhiệm hơn với môi trường và các vấn đề xã hội.
Tìm hiểu thêm:
- Đưa chiến lược Packaging trở thành công cụ Marketing phổ biến nhất
- Xu hướng thiết kế bao bì “hot hit” nhất hiện nay
- Bài học từ 11 Chiến dịch Marketing thất bại vì văn hóa trên thế giới
- 6+ công cụ truyền thông marketing hiệu quả nhất hiện nay
- 10 cuộc khủng hoảng truyền thông được xử lý tốt trên thế giới