Viral Marketing hay Marketing lan truyền là một thuật ngữ Marketing được sử dụng rất nhiều trong thời đại ngày nay để chỉ một chiến dịch nhận được sự quan tâm chú ý của công chúng và được lan truyền mạnh mẽ trong xã hội. Vậy làm thế nào để tạo ra một chiến dịch Viral Marketing?
1. Viral Marketing là gì?
Viral Marketing là bất cứ quảng cáo, bài đăng, chiến dịch nào có thể tạo ra được đủ sự chú ý quan tâm để được chia sẻ rộng rãi trên Internet và khơi dậy sự chú ý đến thương hiệu, tổ chức hoặc sản phẩm. Thông thường, sự quan tâm này dẫn đến một làn sóng bán hàng và giúp thương hiệu có thêm nhiều khách hàng. Thuật ngữ “viral” đề cập đến một sự thật là nội dung sẽ được chia sẻ từ người này sang người khác giống như virus lây lan.
Hình thức Viral Marketing thường là hình thức Marketing “lén lút”. Tức là các chiến dịch lan truyền có thể tiếp cận đến công chúng và bán được sản phẩm, dịch vụ một cách tự nhiên, thậm chí họ còn không nhận ra. Công chúng thích thông điệp, video, bài báo, hình ảnh… bạn mang lại và vì vậy, họ chia sẻ với người khác. Khi công chúng chia sẻ cho nhau, chiến dịch Marketing sẽ ngày càng viral.
Có thể bạn đã sử dụng thuật ngữ “Viral” rất nhiều trong cuộc sống mà không nghĩ đến ý nghĩa của nó và điều ẩn sau nó. Một nội dung nào đó có thể trở nên “viral” hàng ngày như một video ca sĩ ngã khỏi sân khấu. Các chiến dịch lan truyền đó có phải do may mắn hay ngẫu nhiên. Có thể, nhưng có những chiến lược được lên kế hoạch rất kĩ để trở nên xu hướng.
Viral marketing từng là một hình thức khó thực hiện, nhưng ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội thì điều này lại trở nên đơn giản bất ngờ. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy các video hài hước và độc đáo trên Youtube, Facebook, Tiktok và các kênh khác. Nhưng cũng vì vậy, quá nhiều nội dung cạnh tranh và thu hút, các marketer càng khó nắm bắt được những gì họ muốn.
2. Các dạng Viral Marketing
2.1. Emotional (Cảm xúc)
Những chiến dịch viral khơi gợi cảm xúc mạnh mẽ cho người xem thường rất khó để bỏ qua. Một quảng cáo viral có thể nhắm mục tiêu đến niềm vui, nỗi nhớ, niềm tự hào hoặc thậm chí là sự tức giận, nỗi buồn, sự tội lỗi, lo lắng nếu mục tiêu chiến dịch là để thúc đẩy công chúng hành động.
Thực tế, hầu hết các quảng cáo đều có chứa yếu tố cảm xúc, chỉ là nó được thể hiện ít hay nhiều. Những tiếng cười hoặc giọt nước mắt có thể là dấu hiệu cho thấy công chúng đang kết nối với quảng cáo của bạn về mặt cảm xúc. Kết nối đó có thể khiến người xem chia sẻ nội dung của bạn với những người khác. Trong khi những cảm xúc tích cực như hài hước, phấn khích, vui vẻ có thể tạo ra sự sẻ chia, những cảm xúc tiêu cực như tội lỗi, tức giận buồn bã cũng vậy.
Ví dụ có thể kể đến viral clip “Tôi ghét mẹ tôi” của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel. Clip kể về lời miêu tả mẹ của một bé gái bắt đầu từ câu “Tôi ghét mẹ tôi”, cô bé kể về chuyện mẹ hà khắc, thô lỗ, lôi thôi thế nào. Nhưng tất cả là vì người mẹ muốn bao bọc, che chở và làm những điều tốt đẹp nhất cho con gái của mình. Clip được Viettel thực hiện để tri ân người mẹ nhân ngày 8/3 đã lấy được nhiều nước mắt và thu được hơn 19 triệu lượt xem trên Youtube với 78 nghìn lượt thích.
2.2. Incentive (Khuyến khích)
Trong một chiến dịch khuyến khích, người chia sẻ nội dung quảng cáo của thương hiệu cho bạn bè sẽ nhận được phần thưởng, quà tặng hay khuyến mãi đặc biệt từ thương hiệu.
Ví dụ, chương trình quà tặng khi giới thiệu bạn bè ở một số ngân hàng hoặc ví điện tử. Khi người đăng ký nhập mã giới thiệu từ bạn bè, tài khoản của người đăng ký và cả người giới thiệu sẽ nhận được một phần quà nhỏ như tiền mặt hoặc voucher quà tặng.
2.3. Engineered (Được lên kế hoạch)
Nhiều chiến dịch viral marketing chiến lược phức tạp và cần được lên kế hoạch cẩn thận hàng tháng trời. Điều này cần thiết sự nghiên cứu cực kì cặn kẽ về thị trường cũng như sự hiểu và xác định rõ về đối tượng mục tiêu để rút được insight thực tế và chính xác nhất.
2.4. Lucky/Chance (May mắn)
Ngoài những chiến dịch được lên kế hoạch tỉ mỉ như trên, một yếu tố cũng nắm then chốt trong hiệu quả thành công của chiến dịch là sự may mắn, sự nắm bắt cơ hội. Người xưa có câu “Người tính không bằng trời tính”. Đúng vậy, nhiều khi các nhà marketer không thể lường trước được chính xác mức độ thành công của chiến dịch. Một quảng cáo có thể bất ngờ gây tiếng vang cho đối tượng mà bạn không ngờ tới hoặc thu hút sự quan tâm mới bất ngờ ở những trường hợp không lường trước. Mặc dù tất cả quảng cáo đều nhắm mục đích tiếp cận nhiều người nhất có thể, một số quảng cáo có thể trở thành xu hướng một cách bất ngờ, hơn cả mong đợi và mục tiêu chính của nó.
2.5. Buzz (Tiếng vang)
Quảng cáo Viral thuộc dạng này cần tạo ra tiếng vang để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Những thông điệp đó được truyền đi và trở thành chủ đề nóng trong công chúng. Thậm chí là đối với những người chưa trực tiếp xem quảng cáo cũng có thể ít nhất nghe về nó từ những người khác một lần do sự xôn xao xung quanh chiến dịch.
3. 7 kỹ thuật lên kế hoạch viral Marketing
- Nhắm mục tiêu đúng đối tượng trên đúng kênh
Bước đầu tiên để có một chiến dịch thành công là tìm ra xác định cụ thể đối tượng mục tiêu là ai và họ dành thời gian online ở đâu. Chiến dịch của bạn sẽ không tự lan truyền. Nhà marketer cần phải tìm ra cách tiếp cận đúng người với đúng thông điệp, ở đúng vị trí. Chỉ một sai sót về kênh hay nhầm lẫn về đối tượng mục tiêu cũng đều có thể khiến chiến dịch của bạn thất bại. Đảm bảo phương tiện truyền thông phù hợp với khán giả của bạn là chìa khóa dẫn đến thành công.
- Tạo video
Một trong những cách tốt nhất để tạo một chiến dịch lan truyền là tạo video. Hình ảnh có thể sẽ thu hút người xem, khiến họ nhớ về thương hiệu và sau đó có thể liên kết với sản phẩm của bạn. Khi bạn tạo video, bạn cần tìm cách chia sẻ nó. Bạn có thể sử dụng nền tảng như youtube, facebook hoặc nền tảng trở thành xu hướng và dễ dàng tạo xu hướng hiện nay là Tiktok.
- Cung cấp miễn phí những thứ có giá trị
Hầu hết mọi người đều thích sự miễn phí và việc cung cấp thứ gì đó giá trị có thể giúp hoạt động Marketing của bạn trở thành tâm điểm thu hút. Miễn phí là một từ thu hút sự chú ý của người xem và thúc đẩy họ tìm hiểu thêm. Mặt hàng miễn phí có thể là một món quà bất ngờ khi họ mua hàng, tải xuống miễn phí hoặc miễn phí vận chuyển. Bạn có thể đưa ra những điều kiện về nó như yêu cầu khách hàng thích hoặc chia sẻ một bài đăng. Bất kể cụ thể là gì, bản thân từ “miễn phí” đã thu hút sự chú ý.
- Tạo sự khơi gợi cảm xúc
Viral Marketing luôn có tác động lớn nếu nó đem lại sự hấp dẫn về mặt cảm xúc. Hãy dành một chút thời gian cân nhắc những gì người xem muốn cảm nhận khi họ xem quảng cáo của bạn. Cảm xúc nào sẽ hấp dẫn nhất? Câu trả lời có thể phụ thuộc vào những gì bạn muốn họ làm hoặc mua. Dù quyết định của bạn là gì, hãy biết rằng việc khơi dậy cảm xúc ở người xem khiến họ có nhiều khả năng chia sẻ và ghi nhớ về chiến dịch hơn.
- Làm điều gì đó bất thường
Với sự quá tải thông tin hiện nay, mọi người cảm thấy mệt mỏi khi nhìn và nghe những điều giống nhau mọi lúc, mọi nơi. Để làm cho chiến dịch của bạn trở nên nổi bật và gây sự chú ý, bạn cần phải làm gì đó mới là và khó đoán trước. Nếu đó là thứ mọi người đã thấy trước đây, tại sao họ nên chia sẻ nó? Làm cho một cái gì đó trông đẹp và tuyệt vời là thứ mọi người đều làm. Quảng cáo một sản phẩm, dịch vụ cũng là điều mọi người đều làm. Vậy nên, bạn cần phải làm nhiều hơn nữa để có thể khiến thương hiệu trở nên nổi bật.
Tiêu biểu có thể kể đến quảng cáo đình đám của Điện máy xanh từng đình đám và gây ám ảnh một thời. Theo thống kê của Buzzmetrics, Điện máy xanh đã có tới 14 nghìn bình luận, 167 nghìn lượt thích và và 15 nghìn lượt chia sẻ chỉ sau 1 tuần ra mắt. Quảng cáo Điện máy xanh cũng lọt top 2 trong top 10 video có lượt xem nhiều nhất châu Á trong thời điểm ra mắt đó. Và cho tới bây giờ khi hỏi bất kì ai, mọi người cũng sẽ nhớ đến “người xanh” gây “sốc” một thời.
- Tiếp cận xã hội
Bạn có thể tiếp cận nhiều người hơn khi đầu tư vào quảng bá trên mạng xã hội. Một số nhà Marketer liên hệ với những người có ảnh hưởng để họ có thể chia sẻ hoặc nói về nội dung thương hiệu. Một lựa chọn khác là để nội dung của bạn tiếp cận đối tượng một cách tự nhiên hơn bằng cách tự chia sẻ nó cho họ và để họ tự lan truyền nội dung. Tuy nhiên, hãy nhớ mục tiêu của bạn cần phải độc đáo và đem lại lợi ích của bạn nhất có thể.
- Củng cố chiến dịch
Khi bạn đã tạo được một chiến dịch viral thành công, bạn đã có một hành trình tuyệt vời. Tuy nhiên, nó chưa phải kết thúc. Việc xây dựng thành công đó có thể khó lặp lại hơn bạn tưởng. Bạn cần tìm một cách để thu hút sự chú ý và khiến công chúng ghi nhớ.
Bạn có thể xây dựng một loạt các chiến dịch với cùng nhân vật hoặc chủ đề giống như chiến dịch thành công ban đầu để củng cố lại thông điệp viral đầu tiên với công chúng.
4. Khi nào nên thực hiện Viral Marketing?
Có nhiều chiến thuật Marketing khác nhau và không phải chiến thuật nào cũng thích hợp với mọi trường hợp. Nếu bạn muốn thực hiện một chiến dịch Viral Marketing, bạn nên nắm bắt thời điểm thích hợp.
- Khi bạn muốn tiếp cận những người trẻ tuổi
Viral marketing thường có tác động tốt đến những người trẻ – những người đang sử dụng mạng xã hội và Internet rất thường xuyên để tìm hiểu và nghiên cứu mọi thứ. Nhiều người trong thế hệ lớn tuổi hơn thường không có thiết bị để truy cập hoặc rất ít hoạt động trên mạng xã hội. Vì vậy, Viral marketing sẽ rất thích hợp nếu bạn muốn tiếp cận đến những người trẻ.
- Khi ngân sách Marketing của bạn không cao
Bạn có thể tạo ra các chiến dịch Viral Marketing với ngân sách linh hoạt, nhưng khi bạn không có nhiều chi phí để đặt quảng cáo, việc chạy quảng cáo viral có thể giúp bạn quảng bá rộng rãi về doanh nghiệp của mình mà không cần quá nhiều chi phí về tiền bạc.
- Khi thương hiệu của bạn cần sự tin cậy
Khi bạn đã thành lập được một công ty mới hoặc cố gắng cạnh tranh với các sản phẩm, thương hiệu đã vốn nổi tiếng, bạn cần có uy tín để mọi người chọn công ty bạn thay vì những đối thủ cạnh tranh của bạn. Có một chiến dịch dẫn đầu trong xu hướng có thể mang lại cho thương hiệu sự tín nhiệm cần thiết để cạnh tranh với thương hiệu đối thủ. Mọi người sẽ nhớ đến thương hiệu của bạn và nhiều khả năng sẽ lựa chọn thương hiệu vào lần tiếp theo họ cần các sản phẩm hoặc dịch vụ mà bạn cung cấp.
- Khi bạn muốn có sự tăng trưởng nhanh
Khi có một chiến dịch lan truyền thành công, bạn sẽ thu lại được rất nhiều khách hàng mới. Tuy nhiên, nếu công ty bạn còn nhỏ và không chắc chắn có thể đáp ứng sự gia tăng đột ngột của lượng sản phẩm, bạn không nên thực hiện chiến dịch Viral. Hãy chỉ triển khai chiến dịch khi bạn đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng nhất có thể.
- Khi bạn không muốn “xâm chiếm” không gian của người tiêu dùng
Hiện nay, nhiều người xem quảng cáo là một cái gì đó rất phiền phức. Họ tắt tiếng TV khi có quảng cáo, lướt qua quảng cáo trên tạp chí, nhấn nút bỏ qua khi có thể khi online hoặc thậm chí sử dụng adblock để chặn quảng cáo. Đối với họ, quảng cáo rất mất thời gian, nhất là khi họ chỉ muốn xem nội dung họ đang tìm kiếm, xem chương trình truyền hình mà họ muốn xem.
Vậy nên, nếu bạn muốn chiến dịch của mình có thể tiếp cận khách hàng một cách tự nhiên hơn mà không làm họ cảm thấy khó chịu, Viral Marketing là một cách thích hợp để thực hiện. Quảng cáo viral là loại quảng cáo người bạn biết sẽ chia sẻ nó với bạn hoặc thứ khiến bạn cảm thấy hứng thú và tìm kiếm sau khi nghe về nó. Chúng không bất ngờ xuất hiện và gây phiền phức cho bạn.
Trên đây là chia sẻ về cách thức để tạo một chiến dịch Viral Marketing. Hy vọng bài viết đã cung cấp thêm kiến thức và thông tin hữu ích cho bạn.
Tìm hiểu thêm:
- Điểm lại 3 Case Study Viral Marketing thành công tại Việt Nam
- Case study 7 chiến dịch Viral Marketing thành công trên thế giới
- Truyền thông bài hát mới của Adele: Cứ tưởng là quảng cáo Billboard thôi, nhưng lại có Viral Marketing
- Quảng cáo Billboard là gì? Ưu nhược điểm của quảng cáo Billboard
- Các loại biển quảng cáo ngoài trời phổ biến tại Việt Nam