Youtube Marketing là một hình thức quảng cáo khó có thể bỏ qua cho các doanh nghiệp. Nhưng làm thế nào để tạo video quảng cáo tối ưu cho Youtube Marketing? Cùng WeWin tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
1. Các loại quảng cáo trên Youtube
Quảng cáo trên Youtube không chỉ có một hình dạng hoặc kích thước mà có rất nhiều định dạng. Cụ thể là những loại sau đây:
-
In-stream (Trong luồng)
Quảng cáo được phát trước, trong hoặc sau các video content trên Youtube và các ứng dụng, trang web chạy trên đối tác video của Google. Hình thức quảng cáo này được chia thành 2 loại:
- Skippable (Có thể bỏ qua): Quảng cáo có thể bỏ qua hay còn gọi là TrueView Ads là định dạng quảng cáo chuẩn của Youtube. Hình thức này có độ dài từ 12 giây đến 6 phút và người xem có thể bỏ qua chúng sau 5 giây.
Loại quảng cáo này có rủi ro thấp bởi thương hiệu chỉ bị tính phí khi người xem xem quảng cáo ít nhất 30 giây (toàn bộ thời lượng nếu quảng cáo ngắn hơn 30 giây) hoặc nếu người xem tương tác với nội dung quảng cáo. Tóm lại, ngân sách của bạn chỉ được chi cho những người quan tâm đến nội dung.
- Non-skippable (Không thể bỏ qua): Tùy thuộc vào tiêu chuẩn của khu vực, loại quảng cáo này có độ dài từ 15 – 20 giây và người xem không thể bỏ qua nó.
Không giống những loại quảng cáo có thể bỏ qua, quảng cáo không thể bỏ qua tính phí theo CPM (Cost per mille) mục tiêu. Tức là quảng cáo sẽ được tính phí khi được hiển thị một nghìn lần. Và vì mọi người không thể bỏ qua nó, hình thức quảng cáo này sẽ rất hiệu quả khi doanh nghiệp muốn nâng cao nhận thức về thương hiệu.
Thỉnh thoảng, quảng cáo instream cũng sẽ đi kèm một banner ở góc phải màn hình. Dù người dùng đã bỏ qua video, quảng cáo banner này vẫn sẽ không biến mất.
-
Bumper (Quảng cáo đệm)
Hình thức quảng cáo này có độ dài từ 6 giây trở xuống, không thể bỏ qua và thường xuất hiện trước trong và sau các video Youtube. Loại hình này cũng giống quảng cáo instream không thể bỏ qua ở chỗ hình thức này cũng tính chi phí trên cơ sở CPM. Đây là một loại quảng cáo khá thích hợp để giúp thương hiệu tăng lượt tiếp cận và độ nhận diện và nhớ lại thương hiệu đối với công chúng, khách hàng mục tiêu bằng một thông điệp ngắn gọn và dễ nhớ.
Thách thức của hình thức này là nó có độ dài rất ngắn và bạn cần tận dụng khoảng thời gian đó để tạo ra hiệu quả cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, 6 giây cũng là thời gian vừa đủ để người xem tập trung và không bỏ qua quảng cáo. Do vậy, nếu được thực hiện thành công, bumper ad có tỉ lệ gây “thương nhớ” rất cao cho khách hàng.
-
In-feed video ads (Quảng cáo trong nguồn cấp dữ liệu)
Đây là hình thức quảng cáo ít xâm phạm và không làm gián đoạn đến trải nghiệm xem video của người dùng. Loại quảng cáo này trông giống các video thông thường trên Youtube – ngoại trừ việc chúng có thêm một vài dòng văn bản.
Hình thức này xuất hiện bằng một hình ảnh thu nhỏ với dòng tiêu đề, hai dòng văn bản và có thẻ đánh dấu “Ad” (Quảng cáo) màu vàng. In-feed video ads xuất hiện ở:
- Trong kết quả tìm kiếm trên Youtube.
- Dưới các video đề xuất trên trang video Youtube.
- Trong nguồn cấp dữ liệu trên trang chủ của Youtube.
Loại hình quảng cáo này sẽ tính phí mỗi khi người dùng nhấp vào hình thu nhỏ của video quảng cáo. Vì vậy, đây là một sự lựa chọn khá tốt nếu bạn muốn tiếp cận với những người muốn tương tác và tìm hiểu về doanh nghiệp
-
Masthead ads (Quảng cáo trên đầu trang chủ)
Bạn có thể coi hình thức quảng cáo trên trang chủ như video billboards. Chúng xuất hiện ở đầu danh sách video youtube trong vòng 24 giờ và tự động phát không có tiếng trong tối đa 30 giây.
Ngoài video của bạn, loại hình quảng cáo này cũng bao gồm một banner tĩnh (thường là banner giống với kênh Youtube của bạn) và tối đa 2 video đi kèm.
Hình thức này sẽ thích hợp với những thương hiệu có ngân sách lớn với mức chi tiêu tối thiểu từ 300.000 đô đến 400.000 đô la mỗi ngày. Các doanh nghiệp nhỏ hơn nên đầu tư vào các loại quảng cáo instream có thể bỏ qua hoặc in-feed ads.
-
Outstream (Quảng cáo ngoài luồng phát)
Hình thức video quảng cáo trên thiết bị di động thường xuất hiện trên các nền tảng trang web và các ứng dụng của đối tác Google. Loại hình quảng cáo này không có sẵn trên Youtube và khi bắt đầu phát sẽ không có âm thanh, người dùng cần nhấn vào để bật tiếng cho video.
-
Non-video Ads (Quảng cáo không phải video)
Các quảng cáo hiển thị văn bản và quảng cáo lớp phủ thường xuất hiện trên Google (bao gồm cả Youtube). Hình thức này thường chỉ xuất hiện trên máy tính có kích thước 468×60 hoặc 728×90.
2. Cách tạo video tối ưu cho Youtube Marketing
Khi nhìn vào Youtube Ads Leaderboard (Bảng xếp hạng quảng cáo trên Youtube), bạn sẽ thấy rất nhiều loại quảng cáo mà công chúng có thể xem.
Một số là quảng cáo live action (người đóng), một số là hoạt hình. Có những quảng cáo là những người bình thường đóng, có quảng cáo lại sử dụng người nổi tiếng, các linh vật… Tóm lại, có thể thấy không có một công thức hoặc thành phần bí mật nào có thể đảm bảo thành công 100% cho video marketing. Tuy nhiên, ta vẫn có thể đúc kết 6 cách tạo video cho Youtube như sau:
-
Tạo video dành riêng cho Youtube
Đầu tiên, bạn nên tạo nên một video quảng cáo dành riêng cho Youtube chứ không nên sử dụng lại video từ các nền tảng khác. Tại sao? Đó là bởi mọi người sử dụng mạng xã hội và Youtube theo những cách khác nhau, với những mục tiêu, kỳ vọng khác nhau. Ví dụ: Người dùng thường dùng Youtube để xem các nội dung video còn những người sử dụng Facebook, Instagram thường tìm kiếm và cập nhật các thông tin từ bạn bè.
-
Storytelling – Kể chuyện
Những video quảng cáo đáng nhớ không cần phải kêu gọi mọi người mua sản phẩm. Thay vì chỉ đơn thuần liệt kê các tính năng của sản phẩm hoặc tự khen thương hiệu của mình, họ thường kể cho khách hàng nghe một câu chuyện.
Những câu chuyện thường để lại ấn tượng mạnh mẽ cho công chúng bởi chúng đánh vào mặt cảm xúc – chúng khiến người xem cảm nhận. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc quảng cáo của bạn cần sử dụng những câu chuyện bom tấn, những lời thoại gây sốc hoặc những tính tiết bất ngờ. Bạn có thể sử dụng cách kể chuyện đơn giản nhưng hiệu quả sau:
- Andy và Lily – Comfort (Unilever): Gia đình vải huyền thoại trên quảng cáo TV trong khoảng thời gian 2008 – 2010. Trong một thế giới đặc biệt toàn vải vóc, Andy – người chồng là ca sĩ vải jean nổi tiếng và Lily là người vợ với những bí quyết chăm sóc tràn ngập mùi hương thơm ngát. Hai người có đám cưới đình đám và trao nhau lời thề trọn vẹn đến ngày “sứt chỉ, sờn vai”. Câu chuyện kéo dài xoay quanh cuộc sống gia đình con cái của nhân vật và có thể nói, đây đã là hình ảnh gắn bó với Comfort trong một thời gian rất dài.
- Grammarly và “The term paper”: Ai thường xuyên sử dụng Youtube chắc chắn rất quen thuộc với quảng cáo của Grammarly với khẩu hiệu quen thuộc “Grammarly can help”. Trong quảng cáo này, ta theo chân một sinh viên đại học đang căng thẳng loay hoay với một bài luận phức tạp nhưng với sự trợ giúp của Grammarly, cô ấy đã được A+.
- Nike và “Play New”: không giống như hai quảng cáo trước, câu chuyện của quảng cáo này không xoay quanh tuyến nhân vật cụ thể mà có rất nhiều nhân vật, mỗi người đều thất bại ở một môn thể thao khác nhau thể nhưng họ không hề từ bỏ và vẫn nở nụ cười. Mục đích của quảng cáo là truyền cảm hứng để người xem thử những điều mới dù họ có thể sẽ thất bại.
Tóm lại, với hình thức storytelling, dù có những cách tiếp cận khác nhau nhưng những quảng cáo này không tập trung vào việc bán hàng mà kết quả cuối cùng vẫn là mang lại cảm xúc cho người xem.
-
Trực tiếp nhắc đến thông điệp mục tiêu
Công chúng không lướt Youtube để xem quảng cáo. Họ ở đó để xem những video phù hợp với sở thích của mình. Vì vậy bạn cần truyền tải thông điệp càng sớm càng tốt để thu hút người xem, nhất là khi sử dụng quảng cáo instream có thể bỏ qua hay quảng cáo bumper. Nếu không, người xem sẽ chóng quên lãng thương hiệu của bạn hoặc tệ hơn nữa là tránh mua hàng từ doanh nghiệp của bạn.
Có thể lấy ví dụ từ quảng cáo của một hãng trang sức online James Allen. Ngay từ những giây phút đầu tiên của quảng cáo, người xem đã ngay lập tức nhìn thấy hình ảnh nhẫn đính hôn và hình ảnh Logo thương hiệu. Không có giây phút nào bị lãng phí, thương hiệu đã ngay lập tức truyền tải thông điệp thương hiệu.
Cùng so sánh quảng cáo này với một quảng cáo khác từ một công ty chăm sóc sức khỏe tên là Forward. Người xem mất một vài giây đầu tiên để xem người dẫn mở cửa và bắt đầu trò chuyện với người xem, trước khi anh bắt đầu giải thích và giới thiệu về công ty. Có thể nói đây là một khởi đầu khá chậm vì người xem đã có thể bỏ qua quảng cáo trước khi biết được quảng cáo giới thiệu sản phẩm, dịch vụ gì.
-
Có bao gồm caption – chú thích quảng cáo
Caption quảng cáo giúp quảng cáo theo 3 cách sau đây:
- Tối đa hóa khả năng tiếp cận: Bạn có thể tiếp cận đến nhiều đối tượng hơn, bao gồm những người khiếm thính, những người gặp khó khăn trong việc nghe, những người xem Youtube ở nơi công cộng ồn ào, những người ngoại quốc.
- Dẫn đến sự tương tác lớn hơn: Nhiều nghiên cứu cho thấy sử dụng phụ đề trong quảng cáo có thể dẫn đến thời gian xem lớn hơn.
- Cải thiện SEO của quảng cáo video của bạn: Các tệp văn bản được tải lên dưới dạng phụ đề có thể cung cấp ngữ cảnh về video của bạn. Vì vậy, miễn là quảng cáo của bạn được liệt kê công khai, caption có thể giúp chúng nhận được lượt truy cập organic (tự nhiên, không cần trả tiền).
-
Tạo quảng cáo theo mục tiêu chiến dịch
Bạn đang cố gắng tiếp cận khách hàng tiềm năng mới hoặc marketing lại cho những người đã quen thuộc với thương hiệu của bạn? Dù thế nào đi chăng nữa, mục tiêu chiến dịch của bạn cũng nên tạo ra sự khác biệt trong cách tạo dựng video.
Các video tái marketing nên có cách tiếp cận khác với video trước. Để khuyến khích các khách hàng tiềm năng thực hiện chuyển đổi, bạn nên nhắc cho họ nhớ bạn là ai và bạn có thể làm được những gì. Hãy xây dựng ý tưởng dựa trên nền tảng kiến thức đã có từ người xem. Bạn có thể sử dụng những lời chứng thực là những đánh giá, phản hồi từ những khách hàng hiện tại hoặc những case study cụ thể.
-
Kết thúc bằng lời kêu gọi hành động
Như đã đề cập ở phần trước, những video thành công thường sử dụng nghệ thuật kể chuyện – chúng thường có xu hướng thu hút sự chú ý và gây tiếng vang với khán giả. Nhưng ngoài việc thu hút người xem, bạn cũng cần thúc đẩy họ hành động. Điều này đồng nghĩa với việc bạn cần kết thúc video quảng cáo bằng lời CTA (Call to action – kêu gọi hành động rõ ràng).
Lời CTA này cũng phụ thuộc vào những gì họ đang bán. Ví dụ, một công ty phần mềm có thể sẽ hướng người dùng đến những bản dùng thử miễn phí. Trong khi đó, những cửa hàng trên sàn thương mại điện tử có thể đưa người xem đến trang bán sản phẩm.
Trên đây là những chia sẻ về cách tạo video tối ưu cho Youtube Marketing. Hy vọng bài viết đã đem đến cho bạn những kiến thức và thông tin hữu ích.
Tìm hiểu thêm: