Thiết lập mục tiêu là một bước quan trọng trong mọi công việc, mô hình thiết lập mục tiêu SMART sẽ giúp bạn thiết lập được mục tiêu một cách nhanh chóng, dễ dàng và hiệu quả. Bài viết này của WeWin Media sẽ giới thiệu cho bạn những tiêu chí trong mục tiêu SMART và cách sử dụng và phân tích chúng hiệu quả.
1. Mục tiêu SMART là gì?
Mục tiêu SMART là một mục tiêu được xây dựng bao gồm tính cụ thể (Specific), có thể đo lường được (Measurable), có thể đạt được (Achievable), có liên quan (Relevant) và có thời hạn (Time-bound).
Mô hình mục tiêu S.M.A.R.T. đưa ra phương hướng cụ thể, thực tế và có thể đo lường được cho những gì bạn muốn đạt được và rất có khả năng hoàn thành thành công mục tiêu đó trong khoảng thời gian đã định.
1.1. Specific (Cụ thể)
Chữ S trong mục tiêu SMART là viết tắt của Specific (Cụ thể). Bao gồm các yếu tố: ai, cái gì, tại sao và như thế nào trong mô hình SMART.
Ví dụ: Mục tiêu SMART là trước ngày 1 tháng 1 năm 2023, nhóm nhân sự sẽ triển khai phương pháp đánh giá hiệu suất mới cho nhân viên của công ty XYZ. Phương pháp SMART sử dụng các tiêu chí đánh giá được xác định rõ ràng để làm cho quy trình minh bạch hơn. Ai: ‘Nhóm nhân sự’. Cái gì: ‘triển khai một phương pháp đánh giá hiệu suất mới cho nhân viên của công ty XYZ.’ Làm thế nào: ‘sử dụng các tiêu chí đánh giá được xác định rõ ràng’ Tại sao: ‘để làm cho quy trình minh bạch hơn’
1.2. Measurable (Đo lường được)
Mục tiêu M trong SMART có nghĩa là Measurable – đo lường được, có nghĩa rằng mục tiêu đặt ra cần có thể đo lường được để chứng minh tiến độ đang đạt được.
Khả năng đo lường của mục tiêu là vô cùng quan trọng vì nó cung cấp cho bạn bằng chứng hữu hình rằng mục tiêu có thể đạt được (hoặc không) và liệu bạn đã hoàn thành mục tiêu hay ít nhất là đã gần đạt được mục tiêu đó.
Ví dụ: Mục tiêu SMART là trước ngày 1 tháng 1 năm 2023, nhóm nhân sự sẽ triển khai phương pháp đánh giá hiệu suất mới cho nhân viên của công ty XYZ, ở đây, mục tiêu có thể được đo lường dựa trên việc phương pháp mới có hoạt động trước ngày 1 tháng 1 hay không.
1.3. Achievable (Có thể đạt được)
A trong các mục tiêu SMART có nghĩa là Achievable – có thể đạt được, tiêu chí này cần có nhằm đảm bảo rằng mục tiêu có thể được hoàn thành trong một khung thời gian nhất định.
Mục tiêu đặt ra phải đầy thách thức nhưng cũng cần đủ rõ ràng để bạn có thể đạt được. Điều này nên được xác định dựa trên kiến thức, kỹ năng phù hợp với khả năng của bạn và đội nhóm. Mục tiêu đặt ra cần giúp bạn có thêm động lực để thực hiện do vậy chúng không nên quá xa tầm với. Những mục tiêu khó đạt được thậm chí có thể ngăn cản bạn cố gắng.
Lập kế hoạch những gì bạn muốn đạt được theo từng bước và thiết lập khung thời gian từng giai đoạn sẽ giúp bạn đo lường được tiến độ của thực hiện để đạt được mục tiêu cuối.
Ví dụ: Mục tiêu SMART là trước ngày 1 tháng 1 năm 2023, nhóm nhân sự sẽ triển khai phương pháp đánh giá hiệu suất mới cho nhân viên của công ty XYZ. Mục tiêu này được đặt ra dựa trên khả năng của đội ngũ nhân sự. Mục tiêu tập trung vào việc khắc phục thách thức về tính không minh bạch của phương pháp đánh giá hiệu suất, đây có thể là một thách thức đủ lớn để bạn và nhóm tiếp tục quan tâm và cam kết hoàn thành nó.
1.4. Relevant (Có liên quan)
R trong các mục tiêu SMART là viết tắt của Relevant – có liên quan, nghĩa là mục tiêu đề ra cần có sự liên quan tới điều kiện thực tế và hướng phát triển mà tổ chức đang hướng tới. Mục tiêu SMART xem xét sự sẵn có của các nguồn lực, kiến thức, thời gian và phù hợp với mục tiêu kinh doanh tổng thể. Yếu tố này cũng đánh giá liệu mục tiêu có phù hợp với đối tượng mục tiêu hay không.
Ví dụ: Mục tiêu SMART là trước ngày 1 tháng 1 năm 2023, nhóm nhân sự sẽ triển khai phương pháp đánh giá hiệu suất mới cho nhân viên của công ty XYZ. Mục tiêu SMART này xem xét nhóm phù hợp cho công việc, cung cấp cho họ những chỉ dẫn rõ ràng và cũng tập trung vào các mục tiêu kinh doanh dài hạn của tổ chức (đánh giá tốt hơn dẫn đến hiệu suất tốt hơn).
1.5. Time-bound (Giới hạn thời gian)
T trong mục tiêu SMART là viết tắt của Time-bound – Giới hạn thời gian, nghĩa là mục tiêu cần đặt ra một ngày kết thúc có thể đạt được để ưu tiên và tạo động lực cho nhiệm vụ.
Các mục tiêu nên được liên kết với một khung thời gian phù hợp để vừa có thể đạt được mục tiêu vừa đảm bảo được yếu tố hiệu quả công việc.
Ví dụ: Mục tiêu SMART là trước ngày 1 tháng 1 năm 2023, nhóm nhân sự sẽ triển khai phương pháp đánh giá hiệu suất mới cho nhân viên của công ty XYZ. Ở đây, ngày 1 tháng 1 đóng vai trò là hạn chót, điều này tạo ra cảm giác cấp bách giữa các thành viên trong nhóm để thực hiện nhiệm vụ này.
2. Cách viết một mục tiêu SMART
Khi viết Mục tiêu SMART, cần bao gồm tất cả các thông tin liên quan, dễ đọc và dễ hiểu. Đối với từng tiêu chí, hãy trả lời những câu hỏi sau:
- Specific (Cụ thể)
Bạn muốn thực hiện những gì? Nhân sự thực hiện là ai? Khi nào bạn muốn làm điều này? Tại sao đây là một mục tiêu?
- Measurable (Có thể đo lường)
Làm thế nào bạn có thể đo lường tiến độ và biết liệu bạn đã đạt được mục tiêu của mình hay chưa?
- Achievable (Có thể đạt được)
Bạn có những kỹ năng cần thiết để đạt được mục tiêu? Động lực cho mục tiêu này là gì? Những nỗ lực phải bỏ ra có tương xứng với mục tiêu sẽ đạt được không?
- Relevant (Có liên quan)
Tại sao bạn đặt mục tiêu này ở thời điểm này? Nó có phù hợp với các mục tiêu tổng thể không?
- Time-Bound (Giới hạn thời gian)
Hạn chót là gì? Nó có thực tế không, có dễ đạt được không?
3. Ví dụ về mục tiêu SMART
Ứng dụng mô hình SMART để đặt mục tiêu cho hoạt động sau: Tôi muốn xây dựng một trang web giáo dục dành cho doanh nhân.
Specific (Cụ thể): Trên thực tế, không có nhiều trang web dạy cho người mới kinh doanh những điều cơ bản về khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp. Tôi sẽ tạo và ra mắt một trang web vào tháng tới được thiết kế đặc biệt để phục vụ những người mới kinh doanh bằng cách dạy họ những kiến thức cơ bản về khởi nghiệp, marketing và xây dựng thương hiệu. Tôi sẽ cung cấp thông tin miễn phí và kiếm doanh thu bằng cách sử dụng quảng cáo.
Measurable (Đo lường được): Nhìn thấy các xu hướng tìm kiếm hiện tại, tôi tin rằng trang web sẽ có khoảng 100.000 lượt truy cập mỗi tháng.
Achievable (Có thể đạt được): Đội ngũ kỹ thuật công nghệ sẽ hoàn thành trang web trong vòng 2 tuần, chúng tôi cũng sẽ đặt ra một số cột mốc marketing để tăng lực kéo và thu về lợi ích từ tiếp thị truyền miệng. Nhóm nội dung của trang web sẽ nghiên cứu và viết về các mô hình kinh doanh đột phá, kế hoạch kinh doanh và các thuật ngữ khởi nghiệp cơ bản và sẽ đăng tải 3 bài viết/ngày trong tháng đầu tiên và 4 bài viết/ngày sau khi trang web ra mắt. Tất cả điều này là có thể đạt được nhưng đầy thách thức đối với nhóm.
Relevant (Có liên quan): Hầu hết các công ty khởi nghiệp thất bại vì thiếu kiến thức về thời điểm bắt đầu, cách thức phát triển sản phẩm và vận hành công ty. Trang web này sẽ phù hợp với những người mới bắt đầu kinh doanh vì họ sẽ nhận được thông tin chất lượng miễn phí bao gồm các bài báo được nghiên cứu kỹ lưỡng về các mô hình kinh doanh và chiến thuật kinh doanh khác nhau.
Time-bound (Giới hạn thời gian): Để nhận được ít nhất 100.000 lượt truy cập hàng tháng, trang web phải được khởi chạy trong vòng 4 tuần kể từ bây giờ.
Mục tiêu S.M.A.R.T: Hầu hết những người mới kinh doanh đều thất bại do thiếu kiến thức về cách điều hành một công ty khởi nghiệp. Chúng tôi sẽ tạo và khởi chạy một trang web miễn phí được thiết kế để cung cấp các mô hình kinh doanh và chiến thuật kinh doanh đã được nghiên cứu kỹ lưỡng cho người mới bắt đầu trong vòng 4 tuần nữa.
Tìm hiểu thêm:
- Phân tích SWOT của “nền tảng video quốc dân” Tiktok
- Phân tích mô hình SWOT của Nestle: 4 yếu tố rút ra từ năm 2020
- Mô hình phân tích PESTLE là gì? – Các yếu tố, Tầm quan trọng và Ví dụ
- 4 Lợi ích của Social Networking và cách thúc đẩy thương hiệu qua kênh này
- Tìm hiểu về D2C Marketing và cách hoạt động của chiến lược này